Rất nhiều người thậm chí là bị tiểu đường lâu năm vẫn nghĩ rằng tiểu đường tuýp 2 (type 2) là mức độ sau của type 1. Cho nên nếu bị đến type 2 rồi thì thuốc phải nặng hơn, ăn uống phải kiêng khem hơn… Thực tế thì đây là quan điểm rất sai lầm về bệnh tiểu đường.
Đái tháo đường (tiểu đường) là gì?
Theo wikipedia: “Đái tháo đường hay tiểu đường là một nhóm các rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là tình trạng đường huyết cao kéo dài.
Nguyên nhân gây ra đái tháo đường có thể do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc do các thể bào của cơ thể không phản ứng một cách bình thường với insulin mà tuyến tụy sản xuất.“
Tham khảo thông tin về insulin: https://vi.wikipedia.org/wiki/Insulin
Hiểu đơn giản, bạn nạp “đường” vào nhưng cơ thể chậm chạp hấp thu và đào thải khiến nó bị giữ lại trong máu. Điều này dẫn đến đường huyết của bạn tăng cao nhanh chóng, khó hạ, cơ thể phát sinh các phản ứng như hoa mắt, chóng mặt, khát nước, đói lả… Hoặc lúc bạn đói thì đường huyết xuống rất thấp, nhưng vừa ăn vào thì đường huyết lại tăng đột ngột. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây hại tới cơ thể, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.
Phân loại đái tháo đường
Có 3 loại đái tháo đường chính:
- Đái tháo đường loại 1 (tiểu đường tuýp 1, hay tiểu đường type 1) là kết quả của việc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin do mất tế bào beta. Loại đái tháo đường này từng có tên là “đái tháo đường phụ thuộc insulin” hoặc “đái tháo đường trẻ em”.
- Đái tháo đường loại 2 (tiểu đường tuýp 2, hay tiểu đường type 2) bắt đầu bằng tình trạng kháng insulin, nghĩa là các tế bào của cơ thể không phản ứng một cách bình thường với insulin. Người bệnh cũng có thể trở nên thiếu insulin sau một thời gian. Loại này từng có tên gọi là “đái tháo đường không phụ thuộc insulin” hoặc “đái tháo đường khởi phát ở tuổi trưởng thành”. Nguyên nhân phổ biến nhất là thừa cân và không tập thể dục.
- Đái tháo đường thai kỳ, loại đái tháo đường chính thứ ba, xảy ra khi phụ nữ mang thai có đường huyết cao mặc dù không có tiền sử đái tháo đường.
Như vậy, bạn đã thấy, tiểu đường loại 2 không phải là mức độ nặng hơn của loại 1. Trên thực tế, 2 loại tiểu đường này hoàn toàn khác nhau từ biểu hiện đến cách chữa trị.
Đái tháo đường loại 1 cần phải được kiểm soát bằng cách tiêm insulin.
Đối với đái tháo đường loại 2, các biện pháp ngăn ngừa và điều trị bao gồm duy trì chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng ở mức bình thường và tránh hút thuốc lá. Cũng có thể điều trị đái tháo đường loại 2 bằng các loại thuốc như thuốc làm nhạy cảm insulin có hoặc không kết hợp với insulin. Việc kiểm soát huyết áp cũng như chăm sóc chân và mắt đúng cách là rất quan trọng với người bệnh.
Trường hợp thứ 3, đái tháo đường thai kỳ thường tự chấm dứt sau khi thai nhi được sinh ra. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một trong các trường hợp sau thì nên kiểm tra lại đường huyết sau khi sinh xong như:
- Tái nhiều lần tiểu đường thai kỳ (tức là lần nào mang thai cũng bị tiểu đường thai kỳ) và chỉ số tiểu đường cao
- Mang thai khi lớn tuổi (trên 30 mang thai con đầu lòng, hoặc trên 35 trở lên)
- Gia đình có tiền sử tiểu đường
Tính đến năm 2019, ước tính có 463 triệu bệnh nhân đái tháo đường trên toàn thế giới (8,8% tổng số người trưởng thành), trong đó đái tháo đường loại 2 chiếm khoảng 90%. Tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là tương đương nhau. Những năm gần đây, số bệnh nhân mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng tại Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống.
Tại sao tỷ lệ mắc bệnh gia tăng nhanh đến thế? “Bệnh là do những gì mình ăn vào và do những gì mình nghĩ”. Vậy nên, kiểm soát chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và suy nghĩ tích cực là những điều rất quan trọng để chữa trị mọi bệnh tật.
Tham khảo:
- 10 dấu hiệu bạn nên đi kiểm tra đái tháo đường
- 10 công thức nước ép tuyệt vời dành cho người tiểu đường
- 5 suy nghĩ sai lầm về bệnh tiểu đường
- Sự thật bất ngờ về việc di truyền tiểu đường
- Chế độ ăn của người tiểu đường